Hiện nay, nhà nước đang khuyến khích các hộ dân, hộ kinh doanh lắp đặt Điện Mặt trời tự sản tự tiêu để giảm tải cho lưới Quốc gia. Ngoài những lợi ích mà hệ thống điện mặt trời mang lại, khách hàng khi muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cần lưu ý những điểm sau:
1. Quy Định
- Hiện nay theo nghị định số 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
=> Nếu không nắm kỹ thuật tự lắp đặt, khi thừa điện phát ngược lên lưới thì công tơ sẽ tính như khi khách hàng mua vào và tất nhiên sẽ phải trả tiền cho EVN.
- Với các hệ thống hòa lưới bám tải đúng kỹ thuật, thành phần zero export sẽ chặn không cho hệ thống phát ngược ra lưới nên không phải lo vấn đề trên cũng không cần phải báo với EVN khi lắp đặt.
2: Hướng lắp đặt pin mặt trời
Pin mặt trời là một thiết bị thu năng lượng ánh dương, do vậy cần được hướng trực tiếp về phía mặt trời để cho công suất tốt nhất. Nhưng mặt trời di động mỗi ngày (mọc ở hướng Đông, lặn ở hướng Tây), các vùng khác nhau lại có hướng khác nhau so với mặt trời nên việc lựa chọn hướng lắp đặt pin mặt trời được các nhà khoa học tính toán để sao cho có thể đón được lượng ánh sáng mặt trời tốt nhất trong ngày và trong các mùa của năm. Riêng ở Việt Nam, do đường xích đạo nằm ở phía Nam nên hướng Nam là hướng có tổng thời gian đón bức xạ mặt trời nhiều nhất trong năm. Do vậy, khi thi công hệ thống năng lượng mặt trời, nên lắp pin theo hướng Nam để tối ưu công suất. Trong trường hợp mái nhà hướng Đông – Tây, cần sự hỗ trợ của giàn khung để pin hướng về phía Nam.
3: Khoảng cách giữa các tấm pin
Khi lắp đặt pin mặt trời, các tấm pin cần được đặt vuông góc với rail nhôm và khoảng cách tối thiểu giữa 2 tấm pin là 10mm (1cm). Khoảng cách giữa các hàng pin cũng cần được tính toán hợp lý để tránh hiện tượng tấm pin hàng trước che mất ánh nắng của tấm pin hàng sau, dẫn đến giảm hiệu suất hoạt động của toàn hệ thống. Khoảng cách giữa các hàng pin phụ thuộc vào các yếu tố như góc nghiêng, chiều dài của pin… Do đó, người lắp đặt nên tham khảo phần mềm chuyên dụng hoặc nhờ đơn vị chuyên nghiệp thực hiện để đảm bảo kỹ thuật. Về khoảng cách, còn một lưu ý là hệ thống pin cần được lắp cách mái nhà tối thiểu 150mm (15cm) để đảm bảo thông gió làm mát.
Một số lưu ý khi lắp pin mặt trời
Ngoài 3 điều quan trọng trên, trong quá trình lắp đặt pin mặt trời, cần lưu ý thêm một số điều sau:
- Khi lắp đặt, không nên tác dụng lực mạnh như bước chân lên phần giữa tấm pin vì như vậy dễ phát sinh lỗi vết nứt trên cell mà mắt thường không quan sát được.
- Không lắp đặt khi các tấm pin bị ướt hoặc trong điều kiện mưa gió.
- Pin mặt trời phát ra dòng điện một chiều nên cần chú ý để đấu đúng cực.
- Nếu xung quanh vị trí lắp đặt có những chướng ngại vật tạo ra bóng râm (cây cối, tòa nhà cao tầng), cần phân tích chi tiết độ bóng đổ để bố trí pin phù hợp, tránh giảm hiệu suất cũng như tuổi thọ của hệ thống.
- Để đảm bảo an toàn điện, cần đảm bảo các mối nối đúng kỹ thuật, sử dụng các thiết bị bảo hộ đạt chuẩn. Nếu xảy ra sự cố chập cháy, hỏa hoạn, không được dùng nước để chữa cháy.
Việc lắp đặt pin mặt trời bên cạnh các mối quan tâm hàng đầu là độ an toàn, công suất và tuổi thọ hệ thống, cần thỏa mãn cả tính thẩm mỹ. Do đó, tốt nhất nên nhờ đơn vị thi công điện mặt trời uy tín, chuyên nghiệp để việc lắp đặt đảm bảo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các đơn vị thi công uy tín cũng thường có chế độ bảo hành, bảo dưỡng, giúp người đầu tư thực sự an tâm về chất lượng và tuổi thọ công trình. Đây là điều cần thiết vì hệ thống điện mặt trời là một tài sản có giá trị cao.